GÒ NHIỀU THAI Ở 39 TUẦN CÓ PHẢI SẮP SINH? CÁC MẸ CẦN LƯU Ý GÌ?





Thai 39 tuần gò nhiều có phải sắp sinh không?

Thai 39 tuần gò nhiều có khả năng cao đó là dấu hiệu sắp sinh. Thai kỳ thường kéo dài khoảng 40 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối đến ngày dự sinh. Khi đứa trẻ được ra đời trong khoảng tuần 39 đến tuần 40 và 6 ngày thì được gọi là sinh đủ tháng. Do đó vào thời gian này, cơ thể bạn có thể xuất hiện các cơn gò một cách thường xuyên như một dấu hiệu chuyển dạ tuần 39.


Trước hết, cơn gò là tình trạng các cơ tử cung co thắt chặt và sau đó thả lỏng, làm động lực đẩy em bé ra khỏi tử cung. Khi các cơn co thắt xuất hiện với tần suất dày đặc cách nhau 5 – 10 phút, kéo dài khoảng 30 – 70s và mạnh đến nỗi bạn không thể đi bộ hoặc nói chuyện, thì đó có khả năng cao là các cơn gò chuyển dạ. Đồng thời, các hiện tượng như đau bụng và lưng dưới, tăng tiết dịch nhầy âm đạo lẫn máu,… sẽ khẳng định thêm dấu hiệu sắp sinh.


Mặt khác, các cơn co thắt Braxton Hicks (chuyển dạ giả) đôi khi cũng bị nhầm lẫn là khởi đầu của giai đoạn chuyển dạ thực sự. Tuy nhiên, nếu bạn thay đổi hoạt động hoặc tư thế, các cơn gò này hoàn toàn có thể ngừng lại. Đây phần lớn chỉ là một cơn co thắt Braxton Hicks.


Thai 39 tuần gò nhiều, có khả năng là quá trình chuyển dạ đang diễn ra nhưng cũng không thể loại trừ cơn chuyển dạ giả Braxton Hicks. Vì vậy, khi thấy bé gò nhiều, dựa vào các dấu hiệu đơn giản trên, liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến các trung tâm y tế để có những chỉ định kịp thời.


Phân biệt cơn gò chuyển dạ, gò sinh lý và thai máy

Cơn gò chuyển dạ

Trong một thời gian rất ngắn và rất gần với thời điểm bắt đầu chuyển dạ, oxytocin được giải phóng ở mức cao hơn, có chức năng co bóp các cơ tử cung. Để trả lời cho câu hỏi cơn gò tử cung là như thế nào thì cơn gò tử cung khi chuyển dạ được mô tả là cảm giác chuột rút hoặc thắt chặt bắt đầu từ phía sau và chuyển động ra phía trước tương tự như chuyển động của sóng. Đồng thời gây nên áp lực ở phần lưng. Trong quá trình các cơn co thắt diễn ra, bụng trở nên căng cứng.


Những cơn gò này khiến cho phần trên cổ tử cung thắt lại và dày lên, trong khi cổ tử cung cũng như phần dưới căng ra và thả lỏng, giúp cho bé di chuyển từ tử cung qua ống sinh để chào đời. Các cơn co thắt chuyển dạ được chia làm 2 giai đoạn bao gồm chuyển dạ sớm (giai đoạn tiềm ẩn) và chuyển dạ tích cực.


Chuyển dạ sớm (giai đoạn tiềm ẩn)

Trong quá trình chuyển dạ sớm, các cơn co thắt diễn ra không liên tục. Ngoài ra, cổ tử cung bắt đầu mở khiến cho âm đạo ra máu nhẹ hoặc dịch trong suốt, màu hồng. Một cách đơn giản để nhận biết giai đoạn này là tính thời gian cho mỗi cơn co thắt. Cứ sau 5 – 15 phút, các cơn co thắt nhẹ sẽ xuất hiện và kéo dài 60 – 90 giây. Khoảng thời gian chuyển dạ sớm hiện chưa thể được khẳng định chắc chắn, tuy nhiên với người lần đầu làm mẹ thì sẽ diễn ra trong vòng 12 – 19 giờ.


Đối với hầu hết phụ nữ, chuyển dạ sớm không gây nên quá nhiều khó chịu. Lúc này, bạn có thể giữ tinh thần thoải mái, đi dạo hoặc đi tắm, nghe nhạc, thay đổi vị trí,… để thúc đẩy sự dễ chịu trong giai đoạn tiềm ẩn này. Ngoài ra, liên hệ với các nhân viên y tế để biết thời gian thích hợp đến bệnh viện hoặc các trung tâm sinh nở.


Chuyển dạ tích cực

Sau giai đoạn kể trên, các cơn co sẽ tăng dần cường độ, gần và đều đặn hơn. Quá trình này khiến cho cổ tử cung giãn ra khoảng 6 – 10cm và diễn ra trong 4 – 8 giờ. Trong chuyển dạ tích cực, mỗi cơn gò thường chỉ kéo dài 45 giây và cách nhau gần 3 phút. Áp lực ở lưng tăng dần và chân xuất hiện chuột rút, nước ối có thể đồng thời vỡ ra.


Ngoài các kỹ thuật y tế được hỗ trợ ở bệnh viện, bạn nên tiếp tục giữ tinh thần thoải mái, thay đổi vị trí, đi bộ, mát xa nhẹ nhàng, uống nước và các chất lỏng khác,… để thúc đẩy quá trình này diễn ra thuận lợi. Theo một số thống kê, tỷ lệ sinh tự nhiên trong tuần 39 – 41 chiếm khoảng 57,9%. Do đó, các bà mẹ cần đặc biệt lưu ý khi thấy các biểu hiện của cơn gò chuyển dạ trong tuần thai kỳ thứ 39.


Cơn gò sinh lý (cơn gò Braxton Hicks)

Cơn gò sinh lý hay còn được gọi là các cơn co thắt Braxton Hicks (cơn đau chuyển dạ giả), là cách mà cơ thể chuẩn bị cho một quá trình chuyển dạ thực sự. Dấu hiệu cơn gò tử cung loại này được biết đến như những cơn co thắt rời rạc và thường không được cảm nhận rõ cho đến 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.


Những cơn co thắt Braxton Hicks được tạo ra khi các sợi cơ tử cung thắt lại và thả lỏng. Nguyên nhân thực sự hiện chưa được biết đến, song chúng có vai trò làm săn chắc cơ tử cung để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Cơn gò này không làm cho cổ tử cung giãn nở nhưng có thể khiến cho nó mềm ra.


Bên cạnh đó thì sự co bóp không liên tục của cơ tử cung cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy máu đến nhau thai. Máu giàu oxy sẽ lấp đầy các khoang trong tử cung và màng đệm ở phía bên của thai nhi hay nhau thai, từ đó máu dễ dàng đi vào tuần hoàn của bé. Không giống các cơn gò chuyển dạ thực sự, các cơn co thắt Braxton Hicks có tương đối nhiều điểm khác biệt:


  • Tần suất: Cơn gò sinh lý theo thời gian diễn ra không đều đặn và gần nhau hơn. Trong khi các cơn co thắt thực sự xảy ra đều đặn, theo thời gian, chúng xích lại gần nhau và trở nên mạnh hơn.
  • Thời gian: Cơn đau chuyển dạ giả không thể đoán trước được, chúng có thể kéo dài ít hơn 30 giây và tối đa 2 phút. Ngược lại, cơn gò thực sự thường kéo dài từ 30 – 90 giây.
  • Cường độ: Các cơn co thắt Braxton Hicks thường nhẹ và không trở nên mạnh hơn hoặc đôi khi là yếu dần đều. Đối lập với chúng là những cơn gò bắt đầu ở lưng giữa, sau đó quấn quanh bụng về phía đường giữa.
  • Sự thay đổi theo chuyển động: Như đã đề cập, cơn gò sinh lý hoàn toàn có thể ngừng khi thay đổi tư thế hoặc mức độ hoạt động. Nếu bạn vẫn có thể ngủ khi diễn ra co thắt, thì đây chỉ là một cơn Braxton Hicks. Trong khi các cơn co chuyển dạ thật sẽ vẫn tiếp tục và thậm chí còn mạnh hơn khi cử động hay thay đổi vị trí.



Các cơn co thắt Braxton Hicks là một trong những hiện tượng bình thường mà phụ nữ có thể gặp phải, đặc biệt bắt đầu từ tuần 39 có thể bắt gặp thai nhi gò nhiều. Do đó, hãy tự chuẩn bị các kiến thức về gò tử cung như thế nào đối với tình huống này để giảm thiểu lo lắng khi nó diễn ra. Hiện chưa có điều trị y tế cụ thể cho trường hợp này. Tuy nhiên, nằm xuống nghỉ ngơi, đi dạo, thư giãn như tắm nước ấm, mát – xa, đọc sách, nghe nhạc hoặc uống nước,… có thể làm giảm bớt các cơn co thắt này.


Thai máy

Thai máy được hiểu là những chuyện động của thai nhi mà thai phụ hoặc bất kỳ ai cảm nhận được, cho thấy dấu hiệu của một thai nhi đang phát triển về kích thước cũng như sức mạnh. Cảm nhận đầu tiên được mô tả như những chuyển động chập chờn hoặc bụng đôi khi phồng lên. Tuy nhiên, sự khác biệt sẽ thấy rõ khi chúng xảy ra thường xuyên hơn và không thể bỏ qua những cú nhào lộn hoặc sự di chuyển của khuỷu tay hay đầu gối của bé. Bắt đầu từ tuần 16 hoặc tuần thứ 19, bạn sẽ thấy những rung động mờ nhạt khiến cho thật không dễ dàng để nhận ra nếu như đây là lần đầu làm mẹ.


Tiếp theo, những cú đá và đấm nhẹ nhàng có thể xuất hiện trong tuần thứ 20 – 23. Những chuyển động này sẽ dần mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Thậm chí ở một số người sẽ thấy con mình đang di chuyển ngay sau khi ăn, đặc biệt là sự có mặt của đồ ngọt.


Khoảng thời gian từ tuần 24 – 28, túi ối lúc này bắt đầu nhiều lên, không gian tự do cho bé di chuyển cũng đồng thời tăng lên. Vì vậy, bé hoàn toàn có thể thực hiện các động tác nhào lộn phức tạp. Bạn có khả năng nhận thấy những tiếng động đột ngột hoặc các chuyển động giật lặp đi lặp lại khi chúng bị nấc cụt. Sau đó vào tuần 29 – 31, các chuyển động lúc này trở nên nhỏ hơn, sắc nét và dứt khoát hơn, chẳng hạn như những cú đấm và đá mạnh. Chúng sẽ dần chậm nhưng kéo dài hơn vào các tuần 32 – 35.


Đặc biệt trong thời gian gần đến ngày dự sinh từ tuần 36 – 40, trẻ sẽ phát triển hơn và không còn đủ chỗ cho chúng thực hiện những cú lộn nhào phức tạp. Chúng sẽ chuyển sang một tư thế mới – cúi đầu để chuẩn bị sinh. Do đó, bạn có thể cảm nhận những cú đá như ở phía dưới của xương sườn. Tuy chuyển động có thể mạnh đến nỗi khiến bạn cảm thấy đau và khó chịu nhưng nó cũng chậm dần. Vậy nên nói thai 39 tuần ít đạp hơn những tuần trước đó thì chưa chắc đã phải là một vấn đề bất thường.


Phân biệt cơn gò tử cung và thai máy chỉ đơn giản là không xuất hiện những cơn co thắt kéo dài trong một khoảng thời gian. Tần suất bình thường vào khoảng 10 chuyển động/2 giờ. Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn khi thấy trẻ di chuyển ít hơn tần suất kể trên.