Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn-mặn trong mùa khô 2015 - 2016. Chính vì vậy, việc đối phó với hạn-mặn luôn là mối quan tâm lớn của các cấp, các ngành và nông dân.

Bên cạnh các biện pháp lớn như quy hoạch vùng sản xuất, hệ thống thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng…thì các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp người sản xuất có thể ứng phó kịp thời, chủ động nhằm hạn chế tổn thất do hạn-mặn là hết sức cần thiết.



Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu khoa học và những kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, có thể rút ra một số vấn đề liên quan đến tác động của hạn-mặn và các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại như sau:

1- Đôi nét về khả năng chống chịu của cây trồng

- Lúa chịu mặn tối đa khoảng 4/1.000. Tuy nhiên lúa rất nhạy cảm, giảm khả năng chống chịu mặn vào giai đoạn trổ đến ngậm sữa.

- Nhóm rau ăn lá, gia vị, cây đặc sản vùng ngọt như sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, khả năng chống chịu mặn kém, khi độ mặn khoảng 1/1.000 đã có những ảnh hưởng nhất định về mặt sinh trưởng-phát triển như cháy lá, rụng bông…

- Một số cây rau màu khác như bắp, cà, ớt, bầu, bí… cũng có khả năng chống chịu độ mặn khoảng 2-3/1.000 trong thời gian ngắn. Tag: may thoi khi

- Các cây trồng như dừa, chuối, mía có thể chịu được độ mặn trên 5/1.000 nhưng nhìn chung năng suất bị giảm, cây sinh trưởng chậm lại.

Sự phân nhóm trên chỉ mang tính tương đối vì còn lệ thuộc vào từng loại giống, tuổi cây, chế độ chăm sóc, đất trồng, thời gian nhiễm mặn…

2- Triệu chứng ngộ độc mặn trên cây trồng

Biểu hiện trực tiếp: Độc chất Na+ trong muối sẽ làm cho chóp lá bị cháy, do khi cây hút nước mặn thải ra ở chóp lá sẽ đọng lại những độc chất Na+, dưới tác động của ánh nắng mặt trời sẽ làm cho lá bị cháy từ chóp lá. Tag: ong nano-tube

Biểu hiện gián tiếp: Na+ trong đất và nước sẽ làm cho rễ cây không hút được nước, dẫn tới không hút được đạm và kali, do đó khi bị ngộ độc mặn cây sẽ thiếu đạm và kali. Vì vậy cây bị suy kiệt, giảm năng suất, ngừng sinh trưởng- phát triển và có thể chết.

3- Một số giải pháp đề xuất để phòng, hạn chế thiệt hại:

- Vùng có nguy cơ nhiễm mặn thường xuyên cần chú ý thực hiện tốt thủy lợi nội đồng để có khả năng trữ nước ngọt và ngăn mặn cục bộ, nếu trồng cây ăn trái cần dịch chuyển tránh thời điểm ra hoa, mang trái tập trung trong thời điểm nước mặn, tạo bóng mát và đậy gốc cây, có đủ điều kiện che phủ bờ líp trồng để tăng cường giữ ẩm, giảm mất nước cho cây, đất trồng. Trước giai đoạn nhiễm mặn cần tăng cường bón các loại phân có chứa các chất kali, lân, vôi, chất hữu cơ để tăng khả năng đề kháng của cây trồng. Hạn chế tỉa cành, tạo tán, nhất là tỉa đau trong lúc hoặc trước thời điểm hạn mặn.

- Khi mặn bắt đầu xâm nhập vào nội đồng cần quan tâm các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại.

* Bổ sung Kali sớm, hợp lý:

Khả năng cây chống chịu mặn liên quan mật thiết với việc duy trì sự cân bằng Natri- Kali trong cây, nguyên tố Kali góp phần đáng kể trong việc tạo ra tính chống chịu mặn, hạn chế tác hại của chất Natri (có trong muối) gây hại cho cây. Tag: ong aero-tube

Cách bổ sung: Trong giai đoạn bị nhiễm mặn nên phun bổ sung KNO3 liều thấp (khoảng 30g/8 lit nước). Cần pha KNO3 với nước không nhiễm mặn khi phun.

* Bổ sung Silic, Canxi

+ Chất Silic giúp thúc đẩy quá trình quang hợp, gia tăng tỷ lệ chọn lọc của K + và giảm lượng hút Na+ của cây trồng. Chất Silic có thể được bổ sung bằng việc bón phân lân nung chảy (có chứa khoảng 20% chất Silic), tro trấu (chứa trên 60% chất Silic) hoặc phun phân bón lá CaSi (có chứa chất Canxi và Silic).

+ Canxi là nguyên tố cần thiết trong việc bảo vệ rễ cây trồng khỏi bị gây hại do mặn, giúp duy trì sự ổn định của màng tế bào, bảo vệ tế bào biểu bì giảm bị tác hại của muối. Trong các loại phân lân như Super lân, Lân nung chảy có chứa khoảng 20% chất Canxi cũng góp phần đáng kể việc bổ sung Canxi cho đất. Ngoài ra trong thời điểm bị nhiễm mặn có thể phun phân bón lá CaSi để bổ sung cho cây.

Trong điều kiện cây đang bị ảnh hưởng mặn nên phun CaSi ngày trước, ngày sau phun KNO3 liều thấp (khoảng 30g/8 lit nước), nên phun vào buổi chiều mát, bằng nước không bị nhiễm mặn.

+ Cần tăng cường che mát kết hợp phun sương để giảm nóng, tiết kiệm nước. Khi cây bắt đầu phục hồi chỉ nên bón nhẹ thêm phân lân, bón nhẹ phân đạm, bổ sung các loại phân bón lá như Hydrophos, Humat… để cây ổn định sinh trưởng dần đến khi cây hồi phục hẳn mới sử dụng phân như bình thường. Chú ý các loại bệnh cháy lá, sương mai, thán thư... sau khi cây phục hồi do ảnh hưởng mặn.

Áp dụng các biện pháp che mát, đậy gốc giữ ẩm (lá dừa, mụn dừa, rơm rạ…) đây là biện pháp cực kỳ quan trọng và xuyên suốt. Khi cần thiết phải tạo độ ẩm cho đất, không nên tưới nước lên lá, trực tiếp vào vùng rễ, mà chỉ nên tạo ẩm bằng cách tưới nước phạm vi ngoài vùng rễ tập trung để nước thấm dần vào, nên tưới vào buổi chiều mát để giảm tác động về mặt sinh lý của mặn đối với cây. Tỉa bỏ bớt bông, trái đang mang trên cây. Hạn chế các biện pháp tỉa cành tạo tán, không sử dụng các phân bón lá kích thích tăng trưởng, ra hoa vào thời điểm này. Sau thời điểm hạn-mặn hoặc sau các cơn mưa đầu mùa cần chú ý các loại sâu, bệnh như: bọ trĩ, nhện, bệnh cháy lá, bệnh do nấm Phytophthora…gây hại, để phòng trị kịp thời.

Riêng đối với cây dừa, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thông thường sau đợt hạn-mặn kéo dài, dừa rất dễ bị rụng trái khi có những cơn mưa lớn đầu mùa do bị "sốc" sinh lý. Chính vì vậy việc khuyến cáo một chế độ chăm sóc phù hợp cho dừa ở thời điểm này, nhằm ổn định về sinh lý và phục hồi sinh trưởng- phát triển sau thời kỳ bị ảnh hưởng hạn- mặn, nhằm đảm bảo năng suất là hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu bón phân, phòng trừ sâu bệnh./.

Nguồn: 2lua.vn/article/mot-so-giai-phap-han-che-thiet-hai-do-han-man-cho-cay-trong-cua-nha-vuon-58fda94ae4951900378b456b.html