Hoàng Thành Thăng Long
Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 024 3734 5427

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ Hai.
Thời gian đón khách là: 8h – 11h30 và 14h – 17h.

Hoàng Thành Thăng Long
Thực tế, toàn bộ cụm di tích được bao bọc bởi bốn con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Khu Di Tích Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.

Hoàng Thành Thăng Long
Giá Vé Tham Quan Hoàng Thành Thăng Long Tham Khảo
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long giá vé vào cổng như sau:
– Người lớn: 30.000đ/người
– Học sinh, sinh viên và người trên 60 tuổi: 15.000đ/người
– Trẻ em dưới 15 tuổi, người thuộc chính sách đặc biệt, người có công với cách mạng: Miễn phí
Điểm Tham Quan Ở Hoàng Thành Thăng Long
Khi đến quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, bạn sẽ đi qua Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và một số di tích tiêu biểu khác. Hãy cùng khám phá ngay sau đây nhé.
1. Kỳ Đài – Cột Cờ Hà Nội
Điểm dừng chân đầu tiên trong cụm di tích Hoàng thành đó là Kỳ Đài, hay thường được gọi là Cột cờ Hà Nội. Đây là di tích có kết cấu dạng tháp, được xây dựng dưới triều Nguyễn từ năm 1805 đến 1812, cùng thời với Hoàng thành Thăng Long.
Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế, thân cột, và đài vọng canh, với tổng chiều cao khoảng 33,4m. Bên trong công trình có thiết kế cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên đỉnh – nơi bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Hoàng thành Thăng Long.
Công trình Cột cờ Hà Nội vẫn đứng vững chãi, kiên cố đến ngày nay, và trở thành một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
2. Đoan Môn
Rời Cột cờ Hà Nội, bạn đi thêm một đoạn nữa sẽ đến Đoan Môn, cổng chính dẫn vào Hoàng thành. Đoan Môn đã xuất hiện từ thời Lý, nhưng kiến trúc mà chúng ta thấy ngày nay là do nhà Lê xây dựng vào thế kỷ XV và nhà Nguyễn tu bổ vào thế kỷ XIX.
Đoan Môn là tường thành phía Nam, được xây theo lối kiến trúc cuốn vòm cân xứng gần như tuyệt đối qua “trục thần đạo”, với 5 cổng thành: cổng giữa to nhất dành cho vua, 4 cổng còn lại dành cho quan lại, hoàng thân, quốc thích.
Đây là địa điểm được check-in nhiều nhất bởi vẻ hoành tráng, uy nghi của công trình.
3. Điện Kính Thiên
Bắt đầu từ Đoan Môn, bạn băng qua một khoảng sân lớn gọi là Long Trì, rồi đến Điện Kính Thiên – hạt nhân chính trong tổng thể di tích Hoàng thành.
Điện Kính Thiên được xây vào năm 1428, là nơi vua Lê Thái Tổ đăng cơ, về sau trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình, các buổi thiết triều và đón tiếp sứ giả nước ngoài.
Hiện nay, công trình này chỉ còn giữ lại được phần nền và hai bậc thềm rồng đá. Tuy vậy, những dấu tích tìm thấy nơi đây cùng đôi rồng chầu đã phần nào gợi lại nét nguy nga, tráng lệ của Điện Kính Thiên năm xưa.
4. Hậu Lâu – Tĩnh Bắc Lâu
Hậu Lâu, hay còn được gọi là Tĩnh Bắc Lâu, là tòa lầu được xây phía sau Điện Kính Thiên, khi xưa là chốn hậu cung – nơi sinh hoạt của hoàng hậu, công chúa, và các cung tần, mỹ nữ.
Hậu Lâu xuất hiện từ sau đời hậu Lê, được xây theo kiến trúc hình hộp với ba tầng, kết hợp giữa kiến trúc cổ truyền Việt Nam và Pháp. Nét đặc trưng nhất của Hậu Lâu là độ dày của các bức tường, khiến các phòng luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Cuối thế kỉ 19, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, và được người Pháp cho cải tạo, xây dựng lại như hiện nay.
5. Chính Bắc Môn – Cửa Bắc
Chính Bắc Môn, hay Cửa Bắc, là một trong năm cửa của thành cổ Hà Nội thuộc thời Nguyễn, và cũng là cửa thành duy nhất còn sót lại.
Cửa Bắc được xây dựng xong vào năm 1805, theo lối vọng lâu: phía trên là lầu, phía dưới là thành. Trên lầu hiện là nơi thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu – người đã cùng dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ thành đến chết.
6. Khu Khảo Cổ 18 Hoàng Diệu
Đây là nơi cho bạn một bức tranh lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật của các triều đại phong kiến thông qua các di tích và di vật được tìm thấy sau cuộc khai quật khảo cổ vào năm 2002.
Khu vực này sau đó được Viện khảo cổ học phân thành bốn khu riêng biệt để tiện theo dõi và nghiên cứu. Có rất nhiều dấu tích lịch sử nằm xen lẫn, chồng xếp lên nhau suốt 13 thế kỷ theo thứ tự như sau:

Tầng dưới cùng là một phần bên phía Đông của thành Đại La thời Cao Biền, nhà Đường,
Tầng trên tiếp theo là vết tích cung điện thời Lý – Trần,
Tầng tiếp đến là một phần trung tâm Đông cung nhà Lê,
Và tầng trên cùng là trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội ở thế kỷ XIX, tức là thời nhà Nguyễn.

Một số cổ vật được trưng bày lộ thiên có mái che để để du khách tham quan. Còn những cổ vật tinh xảo và quan trọng được trưng bày ở tầng hầm khu nhà Quốc hội.
7. Cổng Hành Cung
Cổng hành cung là nơi canh gác của quân lính, nhằm giữ an toàn cho vua và hoàng tộc. Mỗi cổng hành cung là một công trình có thiết kế cầu kỳ, vững chãi, làm tôn vẻ tráng lệ của cung điện.
Trong Khu di tích Thành cổ Hà Nội hiện còn tồn tại tám cổng hành cung như thế. Chính nhờ những cổng hành cung này mà công việc xác định tọa độ các cung điện và lớp tường thành được chính xác hơn.
8. Những Công Trình Kiến Trúc Kiểu Pháp
Xem thêm bài: https://baoquangnam.vn/ban-can-biet/...ep-123473.html

Ngoài các công trình khảo cổ, trong Khu di tích Thành cổ Hà Nội còn có hệ thống các công trình kiến trúc Pháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nay được trưng dụng làm trụ sở và cơ quan của Nhà nước Việt Nam.
Nên đi Hoàng Thành vào thời gian nào?

Hoàng Thành Thăng Long là khu di tích lịch sử nên bạn có thể ghé thăm vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên bạn cũng nên xem dự báo thời tiết trước khi đi vì mùa hè Hà Nội khá nóng và oi. Khu Hoàng Thành cũng có khu tham quan ngoài trời và di chuyển khá nhiều.

Thời điểm mà nhiều người ghé thăm hoàng thành nhất có lẽ là vào tháng 2, tháng 3 hàng năm. Đây là khoảng thời gian sau tết, khi đó thời tiết khá mát mẻ, dễ chịu. Đặc biệt hơn nữa là bạn sẽ được ngắm hàng hoa ban tuyệt đẹp ngay trên đường Hoàng Diệu.

Vào những tháng cuối năm tháng 10, 11,12 cũng là lúc nơi đây được rất nhiều các bạn sinh viên ghé tới. Vì đây là thời gian chụp ảnh kỷ yếu và cũng là lúc thời tiết Hà Nội bắt đầu vào mùa se lạnh rất dễ chịu. Tùy theo mục đích khác nhau bạn có thể lựa chọn những khoảng thời gian khác nhau để đến với khu di tích lịch sử này nhé!

>>> Xem thêm: Tour Sapa 3 ngày 3 đêm
Đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan Hoàng Thành Thăng Long để hiểu hơn về lịch sử thủ đô văn hiến nếu có dịp du lịch Hà Nội bạn nhé
Nguồn: dulichvietdu