Hà Giang không chỉ khiến du khách mê mẩn với những dãy núi trùng điệp, con đèo uốn lượn như dải lụa, ruộng bậc thang xanh ngát hay sắc hoa bạt ngàn mà còn được biết đến với nhiều lễ hội đặc sắc, độc đáo. Cùng ghé thăm mảnh đất vùng cao này trong những lễ hội đầu năm ở Hà Giang nhé!



Đến Hà Giang vào mùa xuân, bạn không thể bỏ qua những lễ hội độc đáo mang đậm nét văn hóa nơi vùng cao, mang hương sắc dân tộc... với mong muốn một năm mới gặp nhiều điều may mắn, mùa màng bội thu. Cùng điểm qua những lễ hội đầu năm ở Hà Giang để có một chuyến du xuân thêm thú vị nhé!

Những lễ hội đầu năm ở Hà Giang đặc sắc nhất bạn nên ghé thăm

Lễ hội chợ tình Khâu vai
Về Hà Giang dịp đầu xuân du khách sẽ được hòa mình vào Lễ hội chợ tình Khâu vai mỗi năm một lần duy nhất vào dịp 27/3 (âm lịch). Du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy...

Xem thêm: CHI PHÍ PHƯỢT HÀ GIANG – LỘ TRÌNH DU LỊCH HÀ GIANG 4N3Đ

Từ lâu đời cái xóm nhỏ heo hút ở vùng cao núi đá huyện Mèo Vạc mang tên Khâu Vai đã trở thành nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau, của cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau. Nơi đây còn được gọi bằng cái tên thật đẹp “Chợ Phong lưu” một hiện tượng văn hoá đặc sắc hiếm có ở Việt Nam.

Những lễ hội đầu năm ở Hà Giang không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần tý mà còn là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần mang đậm truyền thống. Lễ hội bao gồm:

- Phần Lễ: Già làng cùng đại diện chính quyền dâng hương bắt đầu lễ hội, dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà để cảm ơn công lao khai khẩn đất Khâu Vai của người xưa và tôn vinh tình yêu trong sáng lứa đôi.

- Phần Hội: Hoạt động ca hát, văn hóa thể thao truyền thống cho trai gái tham gia.

Lễ hội Cấp Sắc
Đối với người Dao, nhất là đàn ông người Dao, lễ cấp sắc là dấu mốc cực kỳ quan trọng. Dù đã già mà chưa làm lễ cấp sắc thì vẫn bị coi là trẻ con. Người đã qua cấp sắc thì dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào việc hệ trọng của làng, được giúp việc với thầy cúng và làm lễ cúng bái. Với người Dao, trải qua lễ cấp sắc thì mới biết được phải trái, có tâm có đức, khi chết mới được đoàn tụ với tổ tiên. Bởi vậy, nếu bỏ qua yếu tố tôn giáo tín ngưỡng thì lễ hội này còn mang tính giáo dục cao, qua những giáo huấn mà hướng con người đến cái thiện, không làm điều ác.

Đến Quản Bạ, Hà Giang vào mùa nông nhàn, tức là khoảng tháng 11 – tháng Giêng hàng năm, du khách đi du lịch Hà Giang có thể được xem lễ cấp sắc được diễn ra như nào.



Lễ Hội Lồng Tồng
Đến Hà Giang mùa xuân này bạn còn có thể tham gia Lễ hội Lồng Tồng Của Dân Tộc Tày, lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức vào những ngày đầu tháng giêng hàng năm của người dân địa phương để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Chính vì vậy, ngay từ sáng sớm bà con đồng bào dân tộc đã đến rất đông tham gia lễ hội. Lễ hội được chia làm 2 phần đó là phần lễ và phần hội.

Phần lễ là các nghi thức cúng lễ của thầy cúng có uy tín, được dân làng tin tưởng đọc các bài khấn vàcầu thần Nông, thần Núi, thần Suối… Những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng.

Sau phần lễ là phần hội, mở đầu là những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát then, hát cọi của các chàng trai, cô gái đến từ các thôn trong xã. Sau đó, nội dung tung còn được diễn ra nhộn nhịp trên mảnh ruộng lớn. Đây là trung tâm của lễ hội. Những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua rua có màu sắc sặc sỡ được tung lên trời hướng tới tâm của vòng tròn được dán giấy hồng 2 mặt uốn trên đỉnh cây mai cao khoảng 25m dựng giữa mảnh ruộng. Đông đảo thanh niên trai gái đua nhau so tài khéo léo. Ai ném quả còn lọt qua được vòng tròn sẽ là người thắng cuộc và may mắn nhất trong năm. vòng tròn được ném thủng cũng có nghĩa là mang lại một năm mới đủ đầy, no ấm và hạnh phúc cho tất cả người dân trong bản.

Lễ hội Gầu Tào
Đây là một trong các lễ hội đầu năm ở Hà Giang rất quan trọng của người Mông được diễn ra từ mùng 1 đến rằm tháng Giang. Mục đích của lễ hội là cầu phúc hay cầu mệnh. Nếu hội tổ chức ba năm liền, mỗi năm tổ chức 3 ngày, còn hội làm gộp một năm sẽ tổ chức trong vòng 9 ngày.

Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất và cũng nhiều nghi thức đặc sắc của người Mông. Đây cũng là dịp để mọi người gặp nhau, vui chơi, múa khèn, hát giao duyên…

Trong phần lễ có các nghi thức thể hiện bản sắc văn hoá của người Mông. Các vật cúng là thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, rượu, xôi… Nghi lễ dựng cây Nêu được chú ý nhất của lễ hội Gầu Tào. Địa điểm tổ chức thường trên mô đất cao hoặc ngọn đồi. Đây là một nét đẹp văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào người Mông ở Hà Giang.

Tham gia các lễ hội ở Hà Giang không chỉ là dịp du khách được tìm hiểu về văn hóa vùng cao mà còn được thưởng thức những món ngon độc đáo nhân dịp xuân về!