Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2018 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành về các hoạt động kinh doanh gây tiếng ồn của tỉnh kiểm tra 3 đợt tại 8 đơn vị cấp huyện.

Qua kiểm tra 9 cơ sở hoạt động ca hát (nhạc sống) độ ồn đều vượt so với quy chuẩn giới hạn tối đa các mức tiếng ồn. Bước đầu, đoàn nhắc nhở, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ để chấp hành đúng theo quy định pháp luật. Ở cấp huyện, lực lượng chức năng có tổ chức kiểm tra nhưng cũng chỉ nhắc nhở do không có phương tiện đo tiếng ồn, không có căn cứ để xử lý.

Vi phạm nhiều nhưng khó xử lý

Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Hữu Thanh cho biết, bên cạnh các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các thông tư, nghị định quy định mức xử phạt đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh ban hành Quy chế phối hợp về việc tăng cường công tác quản lý việc cưới, việc tang, lễ hội; hoạt động văn hóa, văn nghệ gây tiếng ồn, mất an ninh trật tự. Tag: thi công karaoke


Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn hạn chế, nguyên nhân là do gặp khó khăn về quy định đối tượng được trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để đo độ ồn. Cấp huyện, xã thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để đo độ ồn. Một số đội kiểm tra liên ngành chưa quan tâm thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, chủ yếu thực hiện khi có yêu cầu và phản ánh của người dân; một số nơi còn tâm lý e ngại trong xử lý nên chủ yếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn Ngô Văn Cường, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, xã chưa tổ chức kiểm tra về tình trạng hát "nhạc sống" gây tiếng ồn, chủ yếu khi nhận tin báo của người dân để nhắc nhở. Tiềng ồn chủ yếu phát ra từ các buổi tiệc, dưới hình thức gia đình nên trong công tác kiểm tra, xử lý cán bộ còn tâm lý "tình làng nghĩa xóm".

Mặc dù người chơi nhạc cam kết thực hiện các quy định nhưng trong buổi tiệc có người này người khác, nhất là những người say rượu đòi hát hết công suất loa, hát đến khuya nên rất khó giải thích. Do đó, công tác xử lý thời gian qua chủ yếu chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt. Điều này dẫn đến việc xử lý thiếu tính răn đe, khiến cho tình trạng vi phạm về tiếng ồn và hát quá giờ còn phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm Nguyễn Văn Sang cho biết, cùng với những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, xã đã xây dựng bản quy ước quy định rõ các nội dung cần tuân thủ khi hát nhạc sống để người dân cam kết thực hiện. Đồng thời, xã thành lập đội kiểm tra để kiểm tra về thời gian, nội dung hoạt động. Qua đó 11 trường hợp vi phạm đã bị nhắc nhở, trong đó có 4 trường hợp vi phạm về thời gian, 7 trường hợp về tiếng ồn. Tag: thi cong phong karaoke

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vũng Liêm Lê Văn Sơn cho rằng, khó khăn chung của các địa phương hiện nay là chưa được trang bị thiết bị đo độ ồn, công chức được giao sử dụng phương tiện đo độ ồn chưa được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện. Khi có vi phạm, lực lượng cũng gặp lúng túng trong việc xác định đối tượng để xử phạt là chủ nhà, người hát nhạc sống hay người cho thuê dàn âm thanh...

Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm

Để chấn chỉnh tình trạng tiếng ồn từ các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp tiếp tục thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về tiếng ồn; tổ chức mời cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt chức năng thanh tra, kiểm tra về tiếng ồn. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đầy đủ các quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; quy định về giữ gìn an ninh trật tự tại khu dân cư, nơi công cộng để người dân và các hộ kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ theo quy định pháp luật.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trọng Dũng cho rằng, việc kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo hoạt động văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng đi vào khuôn khổ, đúng quy định pháp luật cần sự phối hợp chặt chẽ của ba ngành chuyên môn. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương bởi hoạt động này diễn ra ở cơ sở, ngay trong đời sống hàng ngày của hộ dân. Thời gian tới, ngành Công an sẽ phối hợp tốt với UBND các cấp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thiết lập đường dây nóng để kịp thời nắm bắt những phản ánh của người dân, có kế hoạch kiểm tra, xử lý phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, Sở đang soạn thảo Quy chế phối hợp quản lý tiếng ồn gây ra bởi các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, trong đó phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong thực hiện nhiệm vụ này. Sắp tới, ngành sẽ lấy ý kiến các ngành để hoàn chỉnh quy chế và ban hành để phục vụ công tác quản lý tại địa phương. Tag: bảng hiệu bar

Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo bộ phận theo dõi rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân hoạt động. Đặc biệt chú ý, các loại hình quán cà phê hát karaoke; câu lạc bộ hát với nhau; cho thuê dàn nhạc sống, dàn karaoke di động đến phục vụ tại các hộ gia đình để có kế hoạch phối hợp thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, Sở kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh về kinh phí để mua trang thiết bị đo độ ồn và đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường tập huấn về kỹ thuật chuyên môn, cấp chứng chỉ cho cán bộ chuyên môn để thực hiện.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, để “nhạc sống” không còn là nỗi ám ảnh của người dân cần có sự quyết liệt từ các ngành và chính quyền địa phương. Song song đó, còn có vai trò rất lớn từ ý thức của người dân. Vì thế, mỗi cán bộ, viên chức cần nêu gương trong việc tổ chức việc cưới, việc tang...để người dân noi theo. Từ đó, góp phần đưa hoạt động ca hát trong nhân dân thực sự trở thành một phong trào bổ ích, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, vừa thể hiện sự văn minh trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nguồn: baotintuc.vn